GIÁ TRỊ THẬT SỰ CỦA GIÁO DỤC

10:55 Unknown 0 Comments

Có nhiều tác giả lớn nghiên cứu về giáo dục trên thế giới đã nói rằng, giáo dục không phải là cứu cánh mà nó chỉ là một phương tiện, một cách thức để đạt tới cứu cánh. Nói cách khách giáo dục một cá thể không phải chỉ là việc dạy các kiến thức mà mục đích cao nhất là giúp cá thể đó có thể thích ứng với cuộc sống, để cùng tồn tại và phát triển khi sống cùng những người xung quanh. Từ đó có thể thấy, kiến thức chỉ là một phần của giáo dục, nó hoàn toàn không phải là mục đích cần đạt tới của giáo dục vì nếu một người có nhiều kiến thức mà lại không thể thích nghi với môi trường sống xung quang thì người đó cũng không thể coi là được giáo dục thành công. Nhận thức được điều quan trọng này rồi, chúng ta sẽ hiểu rằng chọn lựa cách thức giáo dục nhằm thực sự chuẩn bị cho đứa trẻ khả năng thích nghi với cuộc sống sau này mới là điều cần đặt lên hàng đầu. Không thể tuỳ tiện chọn lựa các phương pháp giáo dục ở một xã hội này rồi đem áp dụng nguyên bản ở một xã hội khác. Những xã hội và nền văn hoá khác nhau cần những phương pháp giáo dục khác nhau đề có thể đạt hiệu quả và không gây nên các tác hại ngược chiều. Mới gặp được một phương pháp giáo dục đầu tiên đã đem ngay ra áp dụng hoặc cứ sử dụng mãi cách thức giáo dục cũ mà không cần suy nghĩ xem nó có còn phù hợp và hiệu quả nữa hay không là điều rất đáng để bàn luận.

Tại các xã hội phát triển như các nước Châu Âu và Băc Mỹ, đặc biệt là tại Hoa Kỳ đã có một khoảng thời gian mà các nhà tư tưởng và giáo dục tiên tiến cổ động cho một nền giáo dục tự do, thực sự rất tự do nếu so sánh với kiểu giáo dục cũ theo khung chương trình cố định cho mọi đối tượng. Giaó dục tự do là sự tự do về chọn giáo trình, chọn tài liệu, chọn chương trình học, chọn thời gian học, chọn khoá học có học phí phù hợp và chọn thầy cô để theo học, học sinh có quyền được lựa chọn thoải mái. Nền giáo dục nay được áp dụng cho mọi học sinh, thông minh hoặc không thông minh, không phân biệt vùng miền, sắc tộc và địa vị. So sánh với nền giáo dục cố hữu xưa kia thì nền giáo dục tự do mới có nhiều ưu điểm và thuận lợi hơn do đó nó đã nhanh chóng phổ biến ra toàn thế giới, ngày nay hầu hết các quốc gia tại Châu Á nơi vốn có nền giáo dục cố hữu vững chắc cũng đã dần chuyển đổi sang nền giáo dục tự do. Nhưng liệu giáo dục tự do có phải là nền giáo dục tối ưu. Dạo gần đây tại các nước phát triển người ta lại thấy rằng giáo dục tự do là chưa đủ, đã có nhiều vấn đề phát sinh sau một thời gian áp dụng. Với nền giáo dục tự do thì ai cũng có thể học lên cao và lấy được nhiều bằng cấp nếu họ có đủ tiềm lực về tài chính và thời gian, chính điều này mà sau một thời gian thì số người có bằng cấp trong xã hội quá cao nhưng nhu cầu tuyển dụng của xã hội luôn theo hình chóp, có nghĩa là công việc cho những người ít học luôn nhiều hơn công việc cho giáo sư. Nếu ai cũng có bằng tiến sĩ thì sẽ không có thợ sửa xe, thợ sữa ống nước. Đó chính là một cuộc khủng hoảng thừa về bằng cấp khi mà những người có bằng cấp sinh ra tâm lý không chịu làm những việc tay chân, nhưng nếu không có người làm những việc tay chân thì mô hình xã hội sẽ không thể cân bằng được.
Ngày nay ai cũng hiểu rằng, để một nền kinh tế có thể cân bằng và ổn định thì nó cần có một cơ cấu giữa các ngành nghề hợp lý. Người kinh doanh không thể làm thay công việc cho các nhà nông, các nhà nông lại không thể làm thay công việc cho các giáo sư, các giáo sư lại không thể đảm đương công việc thay cho các thương gia. Chính vì thế không thể nói có loại ngành nghề nào kém quan trọng hơn ngành nào. Giáo dục thật sự có giá trị khi nó mang lại một cấu trúc nghề nghiệp hợp lý cho xã hội. Những cá nhân sẽ đảm nhiệm các vai trò nghề nghiệp khác nhau thông qua giáo dục. Giáo dục là phải mang đến các lựa chọn phù hợp khác nhau cho mỗi cá nhân khác nhau giúp họ có thể phát triển tối đa khả năng của mình. Giáo dục tự do là tốt nhưng cũng cần có sự can thiệp và điều chỉnh để có thể đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Chính những nhu cầu của xã hội là điều quyết định những hướng đi của giáo dục. Chúng ta không thể để cho quá nhiều người theo học các ngành nghề mà xã hội đã dư thừa, đó chính là các để tránh làm tiêu phí nguồn nhân lực của xã hội.

Giáo dục có đinh hướng là sự kết hợp cả kiến thức và kỉ năng đấu tranh để tồn tại. Những đứa trẻ không những phải học được kiến thức mà còn phải học được các tập tính để sinh tồn và phát triển. Mục đích thật sự của giáo dục vẫn là giúp cho các cá thể có thể tồn tại trong xã hội và giúp ích được cho xã hội. Để có thể làm được như vậy thì chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục tự do nhưng vẫn nên có những sự điều phối hợp lý theo nhu cầu và định hướng phát triển của xã hội. Chính nhu cầu cảu xã hội sẽ là yếu tố quyết định hướng đi của giáo dục.

0 nhận xét: